Những thông tin mới nhất về hoàn cảnh gia đình anh Hận đã được truyền tới tay độc giả. Cậu bé con anh lên cơn sốt cao, quấy khóc, trong khi sinh mạng của mẹ em thì đang lâm nguye vì biến chứng căn bệnh thiếu máu tán huyết. Một mình anh Thanh Hận, vừa chăm vợ vừa nuôi con trong cảnh không tiền đóng viện phí, không thể khám bệnh, mua thuốc cho con.
Con vừa phẫu thuật thì mẹ lâm nguy
Cậu bé Y Bình An Êban dù mới có 2 tuổi, thế nhưng bệnh án của em phải đổi tới nhiều cuốn. ” Từ khi còn trong bụng mẹ, các bác sĩ đã khuyên vợ chồng em nên bỏ thai vì phát hiện bé có dị tật. Thế nhưng không đành lòng chấm dứt sự sống của con nên vợ chồng em vẫn cố giữ. Ngay từ khi mới chào đời, bé Y Bình An đã không khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, bé thường hay đổ bệnh, ốm yếu nên gần như tuần nào cũng phải vào bệnh viện” – Anh Bùi Thanh Hận ( 30 tuổi) ngậm ngùi.
Căn bệnh xoang cột sống, thoát vị màng não tủy của Êban mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực điều trị nhưng tới nay vẫn không khỏi. Cuối năm 2017 (năm dương lịch) cháu đã phải phẫu thuật vị trí bị xoang cột sống và can thiệp tình trạng thoát vị màng não. Sau cả tháng nằm viện, cậu bé mới được về nhà trọn cùng với cha mẹ.
Chị H’ Linh Êban (39 tuổi) vốn mang trong mình căn bệnh Thalassamia (bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh). Từ sau khi lập gia đình, rồi sinh con, bệnh tình của chị ngày càng trở nặng hơn. Thời điểm con nằm viện, để có tiền lo viện phí cho con, người mẹ này đã phải nhịn ăn, nhịn uống, liên tục tăng ca bán sức lao động cho công ty khiến cho sức khỏe bị suy kiệt. Tuy nhiên, chị vẫn gắng gượng làm việc bởi khoản thu nhập ít ỏi từng ngày của chị là nguồn duy nhất để trang trải mọi sinh hoạt và chi phí cho con nằm viện.
Vốn đã mang bệnh trong người lại cố gắng quá sức khiến cho chị bị bệnh quật ngã, sau Tết Nguyên Đán, chị phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi điều trị trong tình trạng suy kiệt rồi tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. BS Lại Thị Thanh Thảo, khoa Huyết học cho hay: “Bệnh nhân được chuyển đến trong tình trạng rất nặng với chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa trên nền bệnh Thalassemia. Đây là bệnh di truyền do đột biến gen, trên cơ địa này sức đề kháng của người bệnh suy giảm, luôn thiếu máu, với những nguy cơ biến chứng như ứ sắt do truyền máu nhiều lần, tổn thương tuyến tụy…”
Gia cảnh khốn cùng của những mảnh đời “chắp vá”
Được hỏi “vì sao anh mang tên Hận?” người đàn ông cơ thể gầy rộc cười hiền từ: “Em mồ côi từ nhỏ, chẳng biết cha mẹ mình là ai, được cha mẹ nuôi nhận làm con, lớn lên khi biết thì đã mang tên Hận. Em được nhận nuôi, được sống là điều quá may mắn rồi”. Cha mẹ nuôi cũng nghèo lại mất sớm cùng với nỗi buồn không được tiếp tục đến trường, anh Hận lại thêm một lần nữa mồ côi.
“Hồi 12 tuổi, em xuống tận đất Mũi (Mũi Cà Mau – PV) mò cua, bắt ốc kiếm sống rồi theo người dân đi chài lưới ngoài biển. Hơn 20 tuổi, sau khi nhờ người quen giúp đỡ, em mới làm được chứng minh nhân dân rồi lên TPHCM xin việc”. Sau nhiều năm làm trong công ty gỗ ở Củ Chi, anh Hận được người quen giới thiệu rồi bén duyên với người phụ nữ đồng bào Ê Đê. Sự đồng cảm của kiếp nghèo đã đưa họ đến gần nhau rồi nên vợ thành chồng. “Chúng em không có tiền làm đám cưới nên chỉ về quê vợ ở Đắk Lắk xin register kết hôn”.
Chồng không mảnh đất cắm dùi, gia đình vợ cũng nghèo không có ruộng đất. H’ Linh Êban chỉ biết viết mỗi tên mình nhưng may mắn được nhận vào làm công nhân khi công ty thiếu người. Những tưởng 2 vợ chồng hợp sức, cuộc sống sẽ đỡ khó khăn nhưng bệnh tật đã vùi dập gia đình khiến họ sống dở chết dở. Từ khi sinh đứa con đầu lòng Y Niêm Êban (năm 2011) chị H’ Linh bắt đầu đổ bệnh, liên tục phải vào viện để truyền máu, điều trị. Còn anh Hận một mình vừa đi làm vừa chăm vợ, chăm con. Đến khi cậu bé cứng cáp vợ chồng đã gửi về nhờ ông bà ngoại chăm sóc.
Sau khi sinh tiếp bé Y Bình An, tưởng sẽ được bình an không ngờ cùng với đau bệnh của con, sức khỏe người mẹ cũng suy sụp. Con nằm viện nhưng chị H’ Linh hạn chế vốn tiếng Việt nên khó trao đổi với bác sĩ và những người xung quanh vì vậy anh Hận phải xin nghỉ việc để vào bệnh viện chăm con thay cho vợ. “Em chỉ xin nghỉ tạm thời nhưng nay đã hơn một năm rồi, hết con ốm lại vợ đau, đến giờ vẫn chưa thể đi làm lại, cũng chẳng biết công ty có nhận em vào làm nữa hay không”.
Nhiều tháng qua, gia đình họ không có nguồn thu nhập nào, tiền nhà trọ cũng không có để đóng. Hiện chị H’ Linh đang được bác sĩ hỗ trợ thở oxy, sử dụng kháng sinh mạnh điều trị nhiễm trùng, truyền máu bổ sung… Thời gian điều trị dự kiến khoảng 2 đến 3 tuần, chi phí mỗi ngày của bệnh nhân tốn gần 3 triệu đồng (bệnh nhân có bảo hiểm y tế).
Không có người chăm sóc, bé Y Bình An phải theo cha lay lắt ở bệnh viện để chăm mẹ. Cơ thể vốn đã quá yếu của cháu không đủ sức chống chọi với môi trường khắc nghiệt, đầy mầm bệnh của bệnh viện, những ngày qua cháu đang lên cơn sốt cao, nguy cơ bệnh cũ tái phát. Không có tiền, viện phí của vợ, anh Hận chưa biết phải làm thế nào để thanh toán, anh đành bất lực nhìn con chịu đau đớn.
Hoàn cảnh gia đình chị đang cần lắm sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Mọi đóng góp xin gửi về Anh Bùi Thanh Hận, khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM
Điện thoại: 0961856436